'; return "";

Sổ tay đảng viên điện tử: Những điều cần biết

Thứ bảy - 02/09/2023 10:27 3.887 0
Trà Vinh là tỉnh thứ 5 trong cả nước (sau tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, thành phố Hà Nội và Bình Phước) và là tỉnh đầu tiên trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử.
Xotay3
Xotay3

Hướng dẫn sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử cho đảng viên vào ngày 29/3.

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số 03/ĐA-TU (Đề án số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Sổ tay đảng viên điện tử, ban hành ngày 28/3/2022) vừa tổ chức tập huấn, hướng dẫn thí điểm sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử cho khoảng 800 đảng viên trực thuộc Đảng bộ Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và đảng viên thuộc Đảng bộ xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành. Được biết, Trà Vinh là tỉnh thứ 5 trong cả nước (sau tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, thành phố Hà Nội và Bình Phước) và là tỉnh đầu tiên trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử.

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số 03 cho biết: triển khai thực hiện phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử là việc làm cần thiết trong tình hình hiện nay, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ, đảng viên trong tham gia học tập chính trị và sinh hoạt Đảng, được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chủ động từ các nguồn thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng cung cấp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập chính trị của đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng của các tổ chức đảng thông qua việc quản lý, điều hành các chuyên mục (Module) của phần mềm.

Theo đồng chí Trần Quốc Tuấn, phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử được tích hợp bởi 06 công cụ tiện ích trên nền tảng web và trên thiết bị điện thoại thông minh, gồm:

Thứ nhất, phần mềm là 01 quyển sổ tay có thể ghi chép các nội dung ý kiến của mình và lưu lại để sau này tham khảo (thay cho quyển sổ giấy).

Thứ hai, là 01 quyển tài liệu chứa nhiều nội dung thông tin liên quan đến công tác Đảng, cán bộ, đảng viên có thể xem bất cứ lúc nào, kể cả những tài liệu của nhiều năm trước đó.

Thứ ba, là 01 công cụ giao tiếp, tương tác trực tiếp mọi lúc mọi nơi với tất cả đảng viên trong chi bộ, không giới hạn không gian và thời gian, có thể dự họp lệ chi bộ khi đi công tác xa, có thể phản ánh ý kiến của mình cho chi ủy xem xét giải quyết hay tiếp thu vấn đề.

Thứ tư, là 01 công cụ quản lý, kiểm soát đảng viên, xem đảng viên có họp chi bộ khi chi bộ tổ chức họp trực tuyến hay không, hay có thể kiểm soát đảng viên có xem, có nghiên cứu các tài liệu, nghị quyết của Đảng mà chi ủy hay đảng ủy cấp trên triển khai, có thể biết được thái độ tích cực hay không tích cực của đảng viên trong sinh hoạt Đảng.

Thứ năm, là 01 công cụ hữu hiệu trong xử lý tình huống cấp bách do thiên tai, dịch bệnh phải họp chi bộ trực tuyến, đảng viên đi công tác xa có thể họp chi bộ được.

Thứ sáu, là 01 công cụ tiết giảm chi phí thời gian và ngân sách, đây là công cụ tương tác trực tuyến chứa nhiều tài liệu liên quan, cán bộ, đảng viên có thể xem, nghiên cứu bất kỳ lúc nào, nơi nào bằng thiết bị điện thoại thông minh.

Đại biểu tham dự lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử cho đảng viên.

Tham gia lớp tập huấn sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, đồng chí Trịnh Minh Vụ, đảng viên Chi bộ VNPT Tiểu Cần, thuộc Đảng bộ Viễn thông Trà Vinh (trực thuộc Đảng bộ Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh), phấn khởi: sau khi được tập huấn, hướng dẫn các bước, tôi thấy việc sử dụng phần mềm này rất hay, có nhiều lợi ích, bản thân đồng tình, hưởng ứng cao.

Còn đồng chí Lữ Thị Loan, đảng viên Chi bộ Ban Quản lý Cảng cá thuộc Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh) tâm đắc: ngày nay, khoa học - công nghệ phát triển vượt bậc, đòi hỏi bản thân mỗi người cũng phải tiến bộ theo, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Tôi rất đồng tình khi tỉnh đưa vào vận hành phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, rất thuận tiện.

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số 03 phát biểu tại lễ khai mạc lớp tập huấn, hướng dẫn thí điểm sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử cho đảng viên.

Đồng chí Trần Quốc Tuấn cho biết thêm: Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử phải được triển khai, vận hành trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án số 03, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập trung tập huấn, hướng dẫn xong cho khoảng 800 cán bộ, đảng viên đơn vị thí điểm (Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và Đảng bộ xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành) theo kế hoạch đề ra.

Đến giữa tháng 4/2023, các đơn vị này phải nhập xong dữ liệu và vận hành thử nghiệm, phản hồi thông tin cho Ban Chỉ đạo Đề án số 03 để Ban Chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung lại phần mềm trước khi vận hành chính thức.

Đến đầu tháng 5/2023, sẽ tập huấn đại trà cho cán bộ, đảng viên 09/09 huyện, thị xã, thành phố với khoảng 3.267 đảng viên. Dự kiến phần mềm này sẽ chính thức vận hành vào tháng 6 hoặc tháng 7/2023.

Mô tả sơ bộ hoạt động của phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử

Sổ tay đảng viên điện tử gồm 07 chuyên mục (Module) chính:

Giao diện sổ tay đảng viên trên điện thoại thông minh.

 

(1) Quản lý hồ sơ tóm tắt đảng viên; (2) Cơ sở dữ liệu văn bản; (3) Học tập nghị quyết của Đảng; (4) Sinh hoạt Đảng; (5) Báo cáo - thống kê; (6) Đóng góp, phản ánh ý kiến; (7) Quản trị hệ thống.

Phần mềm sẽ được tích hợp thành 01 mục riêng trên website của Đảng bộ tỉnh, đồng thời được viết bằng ứng dụng App để tích hợp ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Chi tiết các chuyên mục:

1. Hồ sơ tóm tắt đảng viên, bao gồm các trường dữ liệu: số lý lịch đảng viên: bao gồm mã thể hiện huyện ủy/đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy/mã đảng ủy cơ sở (chuyển đảng sẽ cập nhật lại); họ tên đảng viên, ngày tháng năm sinh; QR Code hồ sơ đảng viên (là mã số căn cước công dân); quê quán; hộ khẩu thường trú; sinh hoạt tại chi bộ; chức vụ trong đảng (để phân quyền trong việc tiếp cận văn bản).

Thuộc nhóm đối tượng: đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức; đảng viên ấp, khóm; đảng viên thuộc đối tượng miễn sinh hoạt, làm ăn xa; đảng viên chuyển sinh hoạt đảng tạm thời (để thống kê việc tham dự sinh hoạt đảng, học tập nghị quyết).

Mỗi cán bộ, đảng viên sẽ được cung cấp 01 tài khoản (user, gồm họ tên và số căn cước công dân là mã số thẻ) để tiếp cận các văn bản đã được đăng tải trên hệ thống, việc tải văn bản, đọc, xem, học tập chính trị, tham dự cuộc họp của từng đảng viên sẽ được thống kê để báo cáo.

Mỗi đảng viên có thẻ (hoặc QR Code) để tham dự hội nghị (học chính trị). Đối với đảng viên cao tuổi, hưu trí còn tham dự sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị được, chi bộ sẽ có danh sách riêng, trong đó vẫn có QR Code (mã số thẻ để đánh dấu việc tham dự sinh hoạt đảng, hoặc học tập chính trị).

2. Cơ sở dữ liệu văn bản gồm các trường dữ liệu: ngày tháng; số hiệu văn bản; cơ quan ban hành văn bản; trích yếu văn bản; phạm vi phát hành văn bản; tệp văn bản.

Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có trách nhiệm cập nhật văn bản của đơn vị mình (không phải là văn bản MẬT) lên hệ thống, lựa chọn phạm vi, quyền tiếp cận văn bản cho các đối tượng (các văn bản cấp huyện ban hành sẽ có quyền tiếp cận tối đa chỉ ở cán bộ, đảng viên của đảng bộ huyện; văn bản do cấp ủy cơ sở ban hành thì cán bộ, đảng viên cơ sở đó mới tiếp cận được).

3. Học tập nghị quyết của Đảng: gồm dữ liệu toàn văn (đầy đủ các trường như cơ sở dữ liệu văn bản); đề cương tuyên truyền cho các đối tượng; hình ảnh Inforgraphic; video Graphic + Audio; phần kiểm tra trắc nghiệm cho các đối tượng sau khi học xong nghị quyết.

Tài liệu nghị quyết cần triển khai cho cán bộ, đảng viên có thể nằm trong 02 mục cơ sở dữ liệu văn bản và mục học tập nghị quyết.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo/Tuyên huấn cấp huyện và tương đương sẽ biên soạn đề cương phù hợp cho từng đối tượng (cán bộ, đảng viên; đoàn viên, hội viên).

Xây dựng văn bản dạng Inforgraphic và video graphic + audio (các nội dung chính của văn bản) dưới dạng dễ nhìn, dễ nhớ, trực quan, sinh động để cho cán bộ, đảng viên và đoàn viên, hội viên học tập.

Cấp ủy sẽ thông báo kế hoạch triển khai học tập chính trị theo hướng dẫn, kế hoạch của cấp ủy cấp trên lên hệ thống (bao gồm: nội dung, thành phần, số lượng...; khi tham dự học tập, cấp triệu tập sẽ quét QR Code trên thẻ tham dự học tập hoặc trên điện thoại của đảng viên được cấp có thẩm quyền cấp ghi nhận việc tham dự học của đảng viên), trường hợp đặc biệt có thể nghiên cứu tài liệu trong mục nghị quyết. Tất cả đảng viên sau khi học tập, tùy theo từng đối tượng học tập mà có các câu hỏi trắc nghiệm ngắn để kiểm tra, đánh giá việc học tập của cán bộ, đảng viên (sẽ loại trừ một số nhóm đối tượng đảng viên như không có điện thoại thông minh, đảng viên ấp, khóm...).

4. Sinh hoạt Đảng: ngày giờ họp (do bí thư chi bộ thông báo triệu tập trên giao diện web - hệ thống ghi nhận việc tổ chức sinh hoạt chi bộ của đơn vị).

Chủ trì cuộc họp/thành phần họp (thống kê việc tham dự cuộc họp của đảng viên chi bộ). Nội dung cuộc họp chi bộ: nêu những nội dung chính của cuộc họp.

Tài liệu sinh hoạt chi bộ: sẽ được phân ra 03 cấp: (01) cấp tỉnh là tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy cung cấp; (02) cấp ủy cấp huyện và tương đương do cấp ủy đó cung cấp; (03) tài liệu sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, chi bộ cơ sở; chi bộ trực thuộc... gửi qua hệ thống để cán bộ, đảng viên xem trước khi tham dự cuộc họp, hệ thống sẽ ghi nhận việc xem tài liệu của đảng viên trong chi bộ.

Nguyên tắc hoạt động của tài liệu sinh hoạt chi bộ là cấp cơ sở được lựa chọn một hoặc nhiều tài liệu sinh hoạt của cấp ủy cấp trên để triển khai trong sinh hoạt chi bộ, văn bản của cấp nào ban hành thì chỉ được kiểm tra xem văn bản đó có được triển khai trong sinh hoạt chi bộ hay không. Các văn bản sinh hoạt nội bộ của chi bộ nào thì chỉ có đảng viên chi bộ đó mới có quyền xem.

Trong phần sinh hoạt Đảng có các mục tư liệu văn kiện Đảng; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thông tin nội bộ.

5. Báo cáo thống kê: các tổ chức, cá nhân (được phân quyền) có thể thống kê được số lượng đảng viên theo nhiều tiêu chí khác nhau, theo dõi quá trình học tập chính trị của đảng viên.

Các tổ chức, cá nhân (được phân quyền) có thể thống kê, kiểm tra trên hệ thống bất kỳ đảng bộ, chi bộ nào về số lượng văn bản đã triển khai, số lượng đảng viên đã xem văn bản, những đảng viên nào rất ít xem văn bản, hay không xem văn bản, số lượng văn bản triển khai, học tập (thông qua kết quả trắc nghiệm các nghị quyết đã đăng); kiểm tra các nội dung sinh hoạt chi bộ ở bất kỳ chi bộ nào (trừ chi bộ ấp, khóm, tuy nhiên vẫn khuyến khích chi bộ ấp, khóm thực hiện nếu đủ điều kiện); kiểm tra việc triển khai và học tập chính trị của tổ chức đảng và đảng viên thông qua kết quả trắc nghiệm đã đăng.

Các tổ chức, cá nhân (được phân quyền) có thể kiểm tra, thống kê việc ban hành nghị quyết; kế hoạch, chương trình thực hiện nghị quyết của cấp trên ở bất kỳ đảng bộ nào.

Tổ chức cấp trên chỉ có thể xem các thống kê của tổ chức đảng cấp dưới theo hệ thống quản lý của mình.

Giao diện trên máy tính.

 

6. Tiếp nhận ý kiến đóng góp, thông tin phản ánh của đảng viên

Cán bộ, đảng viên gửi ý kiến đóng góp, phản ánh lên hệ thống (hệ thống sẽ thiết kế những mục, những đơn vị tiếp nhận để cán bộ, đảng viên phản ánh ý kiến). Người phản ánh có thể gắn hình ảnh, video, âm thanh, tệp văn bản để chứng minh cho phản ánh của mình. Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, đảng viên trong việc phản ánh ý kiến thì sẽ có mục cho cán bộ, đảng viên lựa chọn hiển thị thông tin cá nhân hoặc không hiển thị thông tin cá nhân (hoặc mỗi cơ quan tiếp nhận chỉ có 01 người được cấp quyền biết được thông tin cá nhân của người phản ánh).

Các đơn vị được phân quyền tiếp nhận đóng góp, phản ánh và cập nhật kết quả giải quyết vào hệ thống. Nội dung này chỉ người có thẩm quyền mới xem được các nội dung này. Để đảm bảo tính an toàn, bảo mật thì cần có những quy định về nội dung phản ánh trực tiếp trên hệ thống như không chấp nhận những nội dung nhạy cảm theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy (bằng cách quét nội dung theo các từ khóa, nhóm từ khóa định sẵn).

7. Quản trị hệ thống: họ tên, chức vụ người quản trị

Quyền hạn quản trị:

+ Toàn quyền;

+ Quyền cập nhật thông tin: Thông tin về đảng viên - phân chia theo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; cập nhật thông tin về các văn bản. Mỗi cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có từ 01 - 02 người có quyền cập nhật văn bản do đơn vị mình phát hành.

+ Quyền xem dữ liệu đảng viên, dữ liệu văn bản.

Văn phòng Tỉnh ủy cấp các tài khoản, phân quyền quản trị cho các cơ quan, đơn vị, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy (trừ các đơn vị lực lượng vũ trang) nhập hồ sơ đảng viên của đảng bộ mình theo mẫu có sẵn trên hệ thống.

Theo Báo Trà Vinh

Nguồn tin: dukcqdn.travinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay4,659
  • Tháng hiện tại163,820
  • Tổng lượt truy cập5,212,014
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây