'; return "";
Những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục luôn nghĩ về sự nghiệp giáo dục, nhất là trong điều kiện phát triển đất nước, phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế hiện nay, giáo dục đã trở thành tâm điểm đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ”.
Một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện…”; như vậy, việc tự học tự rèn cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”, phải coi trọng trách nhiệm tự học của mỗi người, tự học thêm để làm chủ được tri thức. Những điều được học, được nghiên cứu tại trường chỉ có thể ví như một “hạt nhân bé nhỏ” mà người học “sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả”; từ xưa đến nay, kinh nghiệm “Không thầy đố mày làm nên” luôn là bài học để mỗi chúng ta suy ngẫm, bởi không ít giáo viên nghĩ rằng tự học là “một mình” tự nghiên cứu, tham khảo tài liệu để nâng cao tay nghề, nhưng thực chất, chữ “tự” ở đây còn là “tự chủ” về tâm thế chứ không chỉ có nghĩa là “một mình”, với cách nghĩ này nếu hiểu đúng chữ tự sẽ giúp chúng ta không bỏ lỡ nhiều cơ hội được hợp tác cùng đồng nghiệp, học sinh để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tự học cần phải đi đôi với tự rèn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vì thế, mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục cần phải tu dưỡng và rèn luyện để có đủ tài lẫn đức để phục vụ tốt sự nghiệp giáo dục và đào tạo, hơn ai hết giáo viên là tấm gương để học sinh noi theo, đồng thời tấm gương ấy phải thường xuyên thấm nhuần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi người phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách sống, có lòng nhân ái, làm việc có lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là một nhà giáo, một cán bộ quản lý giáo dục, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: Nghề dạy học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh kiến thức mà người Thầy còn là chỗ dựa vững chắc để các em chuẩn bị hành trang bước vào đời, để mỗi ngày đến trường của các em sẽ là 1 ngày vui, 1 ngày hạnh phúc và mỗi ngày, thầy cô giáo bước lên bục giảng đều thấy rõ tương lai của đất nước, con đường nghề nghiệp của các em học sinh luôn gắn liền với trách nhiệm và nhiệm vụ của nhà giáo. Bởi cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh là những nhân tố quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục, người giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải có tâm, có tài, đó chính là việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh và phải luôn ý thức sâu sắc về việc không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, rèn luyện đạo đức nhà giáo và luôn đem khả năng của mình để phục vụ sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới, xứng đáng với sự nghiệp “trồng người”.
Để mỗi giáo viên, cán bộ quản lý trở thành Nhà giáo tốt - một kỹ sư tâm hồn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phấn đấu thường xuyên tự học, tự rèn, trau dồi phẩm chất đạo đức về năng lực chuyên môn, về lương tâm nghề nghiệp, luôn gắn bó với nghề và luôn tự hào “nghề giáo là nghề cao quý”. Như vậy, dù ở cương vị nào, được phân công bất cứ nhiệm vụ nào tuy có những khó khăn riêng, nhưng nếu không có lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, không thường xuyên tự học hỏi, tự rèn luyện thì chúng ta sẽ không vượt qua được những khó khăn khi làm “người đưa đò”, đưa từng tốp học sinh qua dòng sông tri thức và sẽ không hoàn thành sự nghiệp “trồng người” mà Đảng và Nhân dân giao phó. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả đó, mỗi chúng ta - công chức, viên chức ngành giáo dục cần nêu cao lương tâm, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, nắm vững các nhiệm vụ trong nhà trường, đó là nơi truyền đạt kiến thức khoa học, tri thức, văn hóa của xã hội, của quê hương đất nước; là nơi định hướng để các em học sinh biết tư duy khoa học, phát huy niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu và luôn khám phá để tồn tại, xây dựng và phát triển. Mặt khác, trường học còn là nơi tạo môi trường, giúp các em học sinh rèn luyện để mai sau trở thành những công dân trí thức, thấy rõ ràng trách nhiệm trước bản thân, gia đình và xã hội. Có như vậy, chúng ta sẽ tự hào với chính mình, góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục.
Châu Hạnh Thùy
Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Thái Bường, thành phố Trà Vinh
Tác giả bài viết: vpdanguy
Nguồn tin: Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh:
Ý kiến bạn đọc